Lỗ lũy kế của PVC tại ngày 30/6 khoảng 2.901 tỷ đồng, dư nợ các khoản vay do tổng công ty bảo lãnh quá hạn khoảng 238 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng quá hạn khoảng 300 tỷ đồng và các vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của PVC trong 12 tháng tới.
Lỗ lũy kế hơn 2.900 tỷ đồng
Đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính bán niên của Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC - mã chứng khoán PVX), Kiểm toán Deloitte cho hay, tình hình tài chính của PVC có một số vấn đề cần nhấn mạnh.
Cụ thể, lỗ lũy kế của tổng công ty tại ngày 30/6 khoảng 2.901 tỷ đồng, dư nợ các khoản vay do tổng công ty bảo lãnh quá hạn khoảng 238 tỷ đồng và dư nợ vay ngân hàng quá hạn khoảng 300 tỷ đồng và các vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của tổng công ty trong 12 tháng tới.
Theo thuyết minh tại Báo cáo tài chính PVC, tại ngày 30/6, tình hình tài chính của công ty mẹ và một số công ty con của tổng công ty có dấu hiệu dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do công nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, không có khả năng chi trả các khoản vay ngắn hạn và các công ty này có lỗ lũy kế hoặc/và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm.
Các công ty này bao gồm: CTCP Xây lắp đường ống bể chưa Dầu khí, CTCP Bất động sản xây lắp Dầu khí Việt Nam, CTCP Phát triển đô thị Dầu khí, CTCP Đầu tư và thương mại Dầu khí Thái Bình, CTCP Dầu khí Đông Đô.
Khả năng hoạt động liên tục của PVC phụ thuộc vào kế hoạch tăng cường thu hồi các khoản công nợ, quyết toán các công trình đang dở dang để thu hồi tiền và tiếp tục thỏa thuận các khoản vay cần thiết với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng để đảm bảo dòng tiền đáp ứng nhu cầu trả các khoản nợ đến hạn của tổng công ty.
PVC phụ trách rất nhiều công trình trọng điểm nhưng vẫn chật vật vì nợ nần và các khoản lỗ trong quá khứ để lại |
Báo cáo của PVC cho biết, lãnh đạo tổng công ty này tin tưởng PVC sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ từ Tập đoàn PVN trong năm 2016 và các năm tiếp theo để đáp ứng nhu cầu vốn kinh doanh, cũng như sẽ nhận được nguồn thu từ các dự án công trình lớn như Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Thái Bình, Nhiệt điện Vũng Áng, đảm bảo dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Tại ngày 30/6, PVC đang có 896,7 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Trong đó bao gồm khoảng 56 tỷ đồng gửi tại Ocean Bank đang tạm dừng giao dịch theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, ngoài ra còn có khoản 70,5 tỷ đồng cũng được gửi tại Ocean Bank (tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng) và cũng đang tạm dừng giao dịch. Tuy nhiên, Ban tổng giám đốc đánh giá các khoản tiền gửi nêu trên vẫn có khả năng thu hồi, không có rủi ro tổn thất nên không trích lập dự phòng tổn thất tài sản.
Lãi tăng nhờ thu hồi được một phần nợ khó đòi
Ngoài ra, theo đơn vị kiểm toán, PVC vẫn đang trong quá trình làm việc và bổ sung các thủ tục theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được phê duyệt chuyển nhượng dự án Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp - Tiền Giang và phê duyệt các giá trị phát sinh chưa lường hết của công trình Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu sinh học khu vực phía Bắc, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tuy nhiên, theo kiểm toán Deloitte, báo cáo tài chính này vẫn chưa bao gồm bất kỳ điều chỉnh nào có thể có phát sinh từ sự kiện không chắc chắn này.
Nói về những ý kiến nhấn mạnh của đơn vị kiểm toán, trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo PVC khẳng định "các điểm nhấn mạnh trên báo cáo này không phải là các điểm ngoại trừ cũng không phải là phần hạn chế phạm vi kiểm toán" do công ty đã cung cấp đầy đủ và toàn bộ các chứng từ cần thiết cho kiểm toán viên.
Theo đó, "các điểm nhấn mạnh này đưa ra để hướng người đọc lưu ý hơn đối với các vấn đề đã được trình bày trong báo cáo tài chính", PVC nhận định.
Sau khi có sự soát xét của kiểm toán, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của PVC đạt 178,7 tỷ đồng, tăng gần 151 tỷ đồng so với báo cáo do công ty tự lập. Giải trình nguyên nhân có sự chênh lệch này, lãnh đạo PVC cho hay, chủ yếu do sau thời điểm công bố báo cáo tài chính tự lập quý II/2016, công ty đã tích cực làm việc với một số đơn vị và thu hồi được một số khoản công nợ khó đòi đã trích lập dự phòng trước đây. PVC đã thực hiện hoàn nhập các khoản dự phòng phải thu khó đòi vào báo cáo tài chính sau soát xét.
Theo số liệu tại báo cáo tài chính, tổng công ty đã thu hồi công nợ với tổng số tiền khoảng 170 tỷ đồng từ các đơn vị và đã hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi, ghi giảm chi phí quản lý doanh nghiệp trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khoảng 143 tỷ đồng.
So với kết quả nửa đầu năm 2015, kỳ vừa rồi lãi ròng PVC tăng 131 tỷ đồng. Công ty cho biết, do năm 2016, PVC đẩy mạnh tiến độ thi công công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, công trình khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu và các công trình trọng điểm khác. Hoạt động sản xuất kinh doanh chính đã mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, theo đánh giá của giới đầu tư, đây là dấu hiệu tốt so với cùng kỳ 2015.
Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí thành lập năm 2004 và niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán PVX. Tổng công ty có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, chia thành 400 triệu cổ phần, trong đó, vốn nhà nước do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ là 2.178,7 cổ phần, chiếm 74,47% vốn, còn lại là các cổ đông khác.
Tính đến ngày 30/6, PVC có tổng cộng 4.150 nhân viên hoạt động tại văn phòng, các ban điều hành, chi nhánh: Ban điều hành (BĐH_ dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, BĐH dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, BĐH các dự án PVC phía Nam, BĐH dự án nhà máy xơ sợi tổng hợp Polyester, BĐH dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Chi nhánh Xây lắp công trình Dầu khí phía Bắc, 9 công ty con và 12 công ty liên kết.
(Theo Dân trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét